Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

TRƯỜNG THPT ĐAN PHƯỢNG "MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG VIỆC XỬ LÝ RƠM SAU VỤ THU HOẠCH LÚA NHẰM LÀM GIẢM Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ Ở NHỮNG VÙNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP"

 Ảnh hưởng lớn đến giao thông
I.Đặt vấn đề 
Cô giáo đang giảng bài thì đột nhiên khói mù mịt bay vào lớp, khiến cô giáo và cả lớp không thể tiếp tục bài học, tình trạng này gần đây thường xuyên diễn ra. Đặc biệt là cô giáo, do cô bị bệnh về đường hô hấp nên hít phải khói sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng đến sức khoẻ. Vì thế, nhóm bạn chúng tôi quyết định tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng trên. Trên đường đi tìm hiểu, chúng tôi đã gặp một vài vụ va chạm giao thông. Nguyên nhân là do khói làm giảm tầm nhìn và khiến người tham gia giao thông bị cay mắt nên không thể nhìn rõ đường được. Xung quanh là bầu trời đầy khói do những người nông dân đang đốt rơm rạ cạnh cánh đồng. Từ đây chúng tôi nhận ra tác hại của việc đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa nên chúng tôi quyết định chọn đề tài:"Một số giải pháp trong việc xử lý rơm sau vụ thu hoạch lúa nhằm làm giảm ô nhiễm không khí ở những vùng sản xuất nông nghiệp"
       Video phỏng vấn người dân
II.Thực trạng của sự ô nhiễm không khí do khói bụi
Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã đi tìm hiểu thực tế tại khu vực đồng ruộng, đường phố, đồng thời chụp lạị ảnh, quay video, tận mắt thấy cảnh khói bụi do đốt rơm và ảnh hưởng trực tiếp của nó tới đời sống dân cư và phỏng vấn trực tiếp những bức xúc của người dân xung quanh khu vực mỗi khi đến vụ mùa.
Với đặc điểm là một ngoại thành, nhiều ruộng đồng, khu vực Đan Phượng – Hà Nội trong những năm gần đây luôn phải chịu ảnh hưởng của việc đốt rơm trong mùa gặt. Những phụ phẩm nông nghiệp, chủ yếu là rơm rạ không đuợc tái chế hoặc xử lí đúng cách mà bị chất thành đống để đốt, thậm chí còn hiện tượng phơi rơm trên đường quốc lộ. Điều đó đã làm cho toàn bộ khu vực bị bao phủ bởi khói rơm mù mịt, đặc biệt là khoảng thời gian từ chiều tối trở đi. Vậy do đâu lại có tình trạng rơm bị xử lí như vậy? 
Rơm được đốt ngay trên đường
Dọc đường chúng tôi đi khảo sát...
Ngày nay, rơm khô không còn là chất đốt trong gia đình vì thế người dân không mang rơm về nhà nữa mà đốt ngay tại ruộng, không mang về nhà nữa mà đốt ngay tại ruộng. Nhưng theo chúng tôi, đa phần là do nhận thức của người dân về tác dụng của rơm cũng như về môi trường chưa cao. Đã có khá nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học đầu ngành về rơm, đều cho thấy rơm có lợi ích kinh tế rất lớn mà ta sẽ đề cập ở phần sau. Vậy mà người nông dân không được phổ biến về điều đó, đáng chú ý hơn là họ cũng không nắm rõ tình hình ô nhiễm môi trường vô cùng nghiêm trọng hiện nay.
Khói mù mịt ở khu dân cư
Rơm được đốt ngay tại ruộng...
Tác hại của việc đốt rơm là rất lớn so với những gì mà ta thường nghĩ. Ai cũng biết, quá trình đốt rơm ngoài trời không kiểm soát được các khí độc hại phát thải ra khí quyển như CO, CO2..., đều là những khí thải độc hại với môi trường. Hơn nữa, bà con nông dân quen đốt rơm vào buổi chiều tối, điều đó càng làm tăng mức độ ô nhiễm vì ban đêm nhiệt độ hạ, luồng khí chùm xuống, khiến khói không bốc lên được. Những ngày trời ẩm hoặc đứng gió, khói rơm khuếch tán chậm, các hạt khí lưu thông trong bầu khí quyển lâu hơn gây tác hại nhiều hơn.
      Xe ô tô bị cháy nổ do đốt rơm rạ                                        
Do đó tác hại mà mắt ta không thấy trực tiếp những cũng nguy hiểm nhất của việc đốt rơm là gây ô nhiễm môi trường, tăng lượng khí nhà kính, gây biến đổi khí hậu, mất cân bằng sinh thái. Một tác hại lớn không thể không kể tới của khói rơm là ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, làm gia tăng các bệnh liên quan đến đường hô hấp và trong đó còn có chất gây ung thư. Thêm vào đó, mất an toàn giao thông còn diễn ra thường xuyên hơn do khói rơm làm giảm tầm nhìn, rơm chất ở đường gây cản trở giao thông, nguy cơ cháy nổ cao hơn.
Đốt rơm trực tiếp ngay trên đồng ruộng gây bất lợi cho ruộng đồng lớn hơn nhiều lần so với việc làm phân bón như ta nghĩ. Hơn nữa ở nhiệt độ cao chất hữu cơ trong thành phần rơm còn biến thành các chất vô cơ không còn gía trị. Đốt rơm ngay tại ruộng còn làm cho đất khô vì một lượng nước đã bốc hơi do nhiệt độ hun đốt trong quá trình cháy của rơm, rạ.
Đốt rơm làm lãng phí nguồn nguyên liệu lớn, bởi thay vì được sử dụng có ích, dưới bàn tay con người, rơm lại trở thành “Thủ phạm” làm nảy sinh nhiều vấn đề lớn cho con người.
Ở Việt nam, hiện tượng này xảy ra tại nhiều Tỉnh, Thành phố như Hà nội, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam...Trong khu vực Đông Nam Á và  trên thế giới, những vùng sản xuất nông nghiệp vấn đề xử lý rơm rạ sau khi thu hoạch lúa cũng là vấn đề bức xúc cần được giải quyết.Trước thực trạng đó nhóm nghiên cứu môi trường của trường THPT Đan Phượng-Thành phố Hà Nội đề xuất một số giải pháp góp phần làm giảm tác hại của việc đốt rơm, xử lý rơm sau khi thu hoạch. Chúng tôi nhận thấy rằng những giải pháp này có thể áp dụng rộng rãi không chỉ ở Việt Nam hay trong khu vực Đông Nam Á mà có thể áp dụng ở các vùng trồng lúa trên Thế giới.
Rơm là nguyên liệu để trồng nấm
III.Một số giải pháp đề xuất
1.Tăng cường công tác tuyên truyền cho mọi người dân thấy được tác hại của việc đốt rơm rạ làm ảnh hưởng tới sức khỏe con người,gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến giao thông gây ra các tai nạn giao thông.
Sản xuất phân bón từ rơm 
2.Sử dụng rơm làm phân bón. Sau vụ gặt, nông dân thu gom rơm rạ vào góc ruộng, hoà chế phẩm sinh học biến rơm rạ thành phân bón cùng với nước và phân NPK  theo tỉ lệ 1:1 rồi tưới lên rơm rạ. 1 tấn rơm rạ cần khoảng 5 -10 kilogam chế phẩm, tuỳ thuộc vào thời gian nông dân muốn rơm mủn nhanh hay chậm. Sau đó, phủ túi ni-lông bình thường lên đống rơm để giữ nhiệt hoặc trát bùn phủ kín ngay trên mặt ruộng. 20 ngày sau, rơm, rạ sẽ được phân hủy tạo ra phân hữu cơ có thể bón ngay cho cây trồng. Giá thành chế phẩm rất rẻ, 13.000đ-15.000đ/kg nên sẽ không gây khó khăn cho nông dân. Khi sử dụng phân hữu cơ này thì lượng phân bón hóa học sẽ giảm trên 30%, năng suất lúa tăng 10-15% so với ruộng không sử dụng. Ngoài ra người nông dân còn có thể bán rơm rạ cho những nơi trồng cây ăn quả lớn, các trang trại chăn nuôi bò sữa….
Sản xuất vật liệu xây dựng từ rơm rạ
3. Rơm còn được xử lý bằng công nghệ hiện đại. Rơm rạ được thu gom, làm sạch, hong khô rồi đưa vào lò nhiệt phân để tái tạo nhiên liệu sinh học. Sản phẩm : Sẽ tạo ra được dầu sinh học bio-oil có thể sử dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất hóa chất, y học , công nghiệp, thực phẩm v...v , sử dụng trực tiếp trong nhà máy điện, thay thế dầu diezel dầu mỏ để chạy động cơ. Đối với sản phẩm rắn có thể sử dụng làm than hoạt tính, hoặc được làm phân bón quay lại cải thiện đất trồng khi được bổ sung thêm một số nguyên tố vi lượng. Rơm có tác dụng giữ nhiệt rất tốt. Rơm, rạ là một vật liệu sau khi được chế biến có tính năng cách nhiệt rất tốt. Nhiệt từ các thiết bị gia dụng, phòng tắm, bếp.. đủ để giữ độ ấm cho ngôi nhà. Lớp vữa bên ngoài sẽ giúp cho ngôi nhà rơm được bảo vệ khỏi ngấm nước và làm cho tường nhà có độ cứng chắc. Sử dụng loại vữa không có đặc tính hóa chất gây hại môi trường và con người. Lớp vữa bên trong của ngôi nhà được sử dụng chất liệu đặc biệt cho phép từng có thể linh hoạt có thể “thở” được, nhờ vậy, độ ẩm trong nhà có thể được cân bằng và thoáng mát. Không chỉ có vậy mà còn nhiều cách xử lý khác như làm đệm lót vận chuyển hàng hoá dễ vỡ, vận chuyển hoa quả; sản xuất bột giấy, sản xuất năng lượng, ép thành những kiện rơm (làm vật liệu xây dựng)…. Nếu người dân thực hiện tốt một trong các biện pháp trên, hiện tượng đốt rơm sau mùa gặt sẽ giảm đáng kể, giảm ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ mọi người. Thay vào đó, rơm được sử dụng vào những mục đích cụ thể, có rất nhiều lợi ích: tăng nguồn thu nhập, cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng, tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu.


IV.Kết luận
 Như vậy, đốt rơm mang lại nhiều tác hại lớn, nếu biết tận dụng rơm lại có rất nhiều lợi ích, để khắc phục những tác hại trên trước tiên phải thay đổi nhận thức của người nông dân đồng thời mọi người đều phải có trách nhiệm góp phần vào việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Những giải pháp trên mà nhóm nghiên cứu mạnh dạn đưa ra hy vọng sẽ được phổ biến rộng rãi không chỉ ở Việt nam, hay khu vực Đông nam á mà còn trên toàn thế giới.


1 nhận xét: